CHỮ “ DUYÊN” VỚI NGHỀ BÁNH CHƯNG
——
Tôi sinh ra và lớn lên từ một vùng quê nghèo, làm nông nghiệp, nắng thì khô khốc, mưa thì ngập lụt. Bạn bè trang lứa chỉ học đến hết cấp 2 rồi thì vào Nam tìm nghề mưu sinh. Ngày đó, tôi ốm nhom, đen nhẻm, không học thì làm nghề gì cho hợp cộng với tư tưởng tiến bộ của Ba, Mẹ luôn động viên tôi học kiếm cái chữ nên tôi đã không bỏ học giữa chừng như đám bạn. Tôi là một học sinh giỏi Sử của một trường cấp III Thị xã thời đó, tôi thích nghề giáo viên và đã thi đỗ vào trường sư phạm chuyên ngành Lịch sử, đúng ngành tôi thích. Tôi đam mê và cố gắng học để sau này trở thành một giáo viên giỏi như tôi từng mơ ước.Nhưng, đúng cuộc đời không như là mơ, ra trường xin việc mãi không được, lúc đó chả còn đam với chả mê gì suất, chỉ cần tìm được một việc làm gì cho đỡ chán, ở nhà đi ra rồi lại đi vào nghe Ba, Mẹ thở dài cũng thấy ngán.
Ba tôi thường nói “công việc đôi khi cũng là cái duyên, duyên chưa đến thì hãy chờ, có khi học sư phạm nhưng chưa chắc đã được đi dạy”, rồi “nghề chọn người chứ người không chọn nghề”, và rằng “đôi khi công việc này chỉ có con làm mà không phải ai khác…”, lúc đó tôi chỉ nghĩ Ba chỉ động viên tôi trong lúc tôi đang quanh quẩn ở nhà và phụ Mẹ tôi gói bánh chưng vào mỗi tối (bánh chưng là nghề gia truyền 3 đời của gia đình tôi) chứ tôi học sư phạm không đi dạy thì làm cái gì cho hợp!
Rất nhiều hồ sơ được sao ra và gửi đi khắp các Trường trong và ngoài Thị xã, chờ đợi mãi cũng không có thông tin gì tích cực cả, tôi vẫn phụ Mẹ gói bánh Chưng và thú thực nghề gói bánh quá vất vả, nhất là vào những dịp lễ, tết; nhìn cảnh mọi người đi mua sắm tết, đi xem hội chợ hoa hay chở nhau đi ngắm không khí nhộn nhịp đón xuân, còn tôi “vùi đầu” vào nồi bánh Chưng cho đến tận đêm 30 Tết, nghĩ vậy tôi lại nuôi một mơ ước: Khi tôi có việc làm, có lương, việc đầu tiên là vận động Mẹ bỏ nghề!
Từ việc phụ mẹ gói bánh chưng đến việc tham gia các hoạt động Đoàn phường và có thời gian làm công nhân nhà máy nhựa Hòa Khánh- Đà Nẵng cũng chỉ là những việc làm tạm thời, giết chết thời gian nhàm chán; hàng ngày đi làm nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng được trở thành cô giáo trên bục giảng. Thấm thoát một năm “thất nghiệp” trôi qua, nhờ tham gia hoạt động Đoàn phường mà tôi có cơ hội được biết và tham gia thi công chức Nhà nước thuộc khối Đảng. Ngã rẻ “sự nghiệp” bắt đầu từ đó! Vậy là tôi trở thành một công chức chứ không phải một viên chức, và lúc này tôi lại tin lời Ba tôi nói “nghề nghiệp cũng là cái duyên” và “nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề”.
Ban Dân vận là làm những công việc gì? quan hệ đồng nghiệp và các cơ quan ra sao? Có khó không?Bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu nhưng rồi mọi thứ cũng qua vì bản tính cần cù, ham học hỏi và nghiên cứu. Từ chuyện lo lắng đến đam mê nghiên cứu một mảng của lãnh đạo phân công mà kể ra ai cũng bảo “mày rất hâm mới theo con đường ấy”, đó là mảng Tôn giáo. Hâm cũng không sao, miễn là tìm thấy niềm vui và đam mê mỗi ngày đến cơ quan là được!
Được đi làm tôi cảm thấy thoải mái hẵn và mơ ước vận động mẹ bỏ nghề bánh Chưng đã phai dần mà đó trở thành niềm vui mỗi tối của cả gia đình tôi khi quay quần gói, nấu bánh.Thật ra, với những gia đình làm nông nghiệp, nhiều bạn trang lứa như tôi phải bỏ học giữa chừng cũng vì không có tiền; nhưng với nồi bánh Chưng là điều kiện để Ba Mẹ cho anh em chúng tôi được đến trường, được học Đại học và được đi làm.
Mười lăm năm đi làm công chức, mỗi khi tết đến xuân về hay lễ, giỗ chạp tôi cũng đều phụ mẹ gói bánh Chưng bán. Bánh Chưng của nhà tôi chỉ bán quanh khu vực Tam Kỳ và có nhiều người biết đến; những dịp lễ, tết nhà tôi tấp nập làm bánh và khách đến mua rất nhiều, có nhiều khách hàng mua gửi cho con, cháu làm quà ở nơi xa về. Nhiều khi tôi hỏi vui Mẹ rằng “Sau này Mẹ lớn tuổi, không còn gói bánh nữa thì chắc cả khu phố này nghỉ ăn bánh Chưng Mẹ nhỉ!”.
Từ một câu hỏi vui mà ngót nghét 15 năm sau khi tôi trở thành công chức,tại một dịp tình cờ tôi biết đến nếp Bầu, (một loại nếp đặc sản của vùng quê xứ Quảng, nếp Bầu ngày xưa nhà tôi cũng cấy nhưng chỉ để gia đình sử dụng với những thửa ruộng trũng) một sản phẩm đã có thương hiệu của xứ Quảng. Tôi chợt lóe lên một tia sáng cho cái nghề bánh Chưng lâu năm của gia đình mình là: Xây dựng một thương hiệu bánh Chưng từ chính nguyên liệu nếp Bầu của quê mình.
Một dịp tình cờ như “duyên định”, để rồi tháng 5/2019 tôi bắt tay vào nghiên cứu, nâng tầm sản phẩm bánh Chưng truyền thống của gia đình thành thương hiệu với mẫu mã, bao bì đẹp và đặc biệt sử dụng chính những nguồn nguyên liệu sản có của xứ Quảng, khoát lên mình sản phẩm một “bộ áo giáp” về pháp lý đầy đủ để cho ra thị trường món bánh Chưng mang tên Bà Ba Hội.
Giá trị của thương hiệu bánh Chưng Bà Ba Hội không chỉ nằm ở chất lượng sản phẩm mà còn giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc đến với cộng đồng xã hội.Tạo thói quen cho người sử dụng lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn, nhất là đối với thực phẩm.Khuyến khích việc phát triển các sản phẩm truyền thống theo hướng bền vững, hiệu quả và có giá trị cao. Tạo ra chuỗi liên kết Sản xuất nguyên liệu (nông nghiệp) – Chế biến (sản xuất bánh) – Dịch vụ (Bán hàng) – Du lịch (du lịch thăm quan vùng sản xuất nguyên liệu, kết hợp thưởng thức ẩm thực).
Dù cho tôi có thể dấn bước vào con đường này hay đi một con đường hoàn toàn khác, thì tôi vẫn tin rằng: Công việc đôi khi cũng có một chút gọi là cái “duyên” trong đó. Cái “duyên” xuất phát từ tính cách, tình yêu, sự đam mê và cả những khát vọng tuổi trẻ!.