CHUYỆN VỀ CHIẾC BÁNH CHƯNG

Bánh chưng là món ăn truyền thống của dân tộc. Có nhiều truyền thuyết dân gian cũng như có nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa giải thích khác nhau về ý nghĩa của loại bánh này.

Riêng tôi rất thích thú với truyền thuyết từ thời vua Hùng Vương thứ 6, về cuộc thi tài để chọn người lên làm vua: không thi gì mà thi làm món ăn.

Ngay sau khi phá xong giặc Ân, vua Hùng muốn truyền ngôi cho con. Vào dịp đầu xuân, vua mở hội các con mà bảo rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ và có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”. Các Lang (các người con của vua Hùng) đã đua nhau làm ra những món lạ từ những vật liệu sơn hào hải vị quý hiếm khắp nơi.

Riêng người con trai thứ 18 của vua Hùng là Lang Liêu tính tình thuần hậu, chí hiếu, làm ra bánh chưng, bánh dầy. Kết quả được vua cha chọn nhường ngôi. Cái giỏi và cái tâm của Lang Liêu là biết sử dụng những nguyên liệu thông thường có sẵn như: lá, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo… để làm thành món ăn, mà trong đó đã gói ghém cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, mang ý nghĩa sâu xa để làm vật phẩm cúng tế tổ tiên, đất trời.

Chiếc bánh chưng có vị thế là nguồn cội văn hóa là vậy và là món ăn từ lâu không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến Xuân về. Trước 30 Tết, các gia đình kịp hoàn tất món ẩm thực chỉ có ở Việt Nam.

Chiếc bánh chưng xanh là món không thể thiếu trên mâm cỗ Tết cổ truyền nhiều đời nay của người dân Việt. Món ăn chàng Lang Liêu dâng lên vua cha được làm từ những nguyên liệu tưởng chừng như đơn giản, dân dã lại là lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng tổ tiên, thể hiện sự hiếu thảo, thương nhớ với nguồn cội, mẹ cha

 

Truyền thống gia đình

Sinh ra ở vùng bán sơn, bán địa Tam Đàn, tuổi thơ tôi gắn liền với thửa ruộng, bờ tre, với những triền đồi toàn sỏi đá. 18 tuổi cùng bạn bè trang lứa, tôi tham gia công nhân đường sắt, trên những cung đường từ Quảng Ngãi đến Huế, tôi quen nhà tôi. 20 tuổi lấy chồng rồi theo chồng về vùng quê chiêm trũng.

Ngay từ những ngày đầu mới về làm dâu, tôi đã được làm quen với việc gói bánh chưng, lúc đầu chỉ là những công việc đơn giản rửa lá, thái thịt, ngâm nếp. Cuộc sống khi đó còn rất khó khăn, việc mua bánh chưng để ăn trong những ngày thường là điều hết sức xa xỉ, nhưng bánh của nhà chồng tôi đều có người đặt trước cho những đám giỗ, đám cưới, người đặt ở khắp nơi, Núi Thành có, Tiên Phước có, Thăng Bình có. Có những hôm bố chồng tôi phải dậy từ 3 giờ sáng để đem bánh cho kịp giờ cúng trưa.

Nhà chồng tôi đông anh em, trai có, gái có, tôi là con dâu thứ 2, nhưng chẳng biết vì sao mọi công đoạn làm bánh đều được mẹ chồng tôi truyền đạt cho tôi. Hàng ngày, bà dẫn tôi đi thăm từng bờ ruộng, hướng dẫn cho tôi mực nước thế nào thì thích hợp với cây nếp, khi nào thì tháo không nước để nếp chín đều, khi nào thu hoạch thì vừa. Ngang qua bụi tre, bà lại chỉ cho tôi cây nào có thể lựa làm nạt gói bánh…. Và mỗi tối bên ngọn đèn dầu leo nét ngồi gói bánh cùng bà, tôi lại được bà chỉ dẫn từng chút một cho từng công đoạn từ lựa chọn nguyên liệu, gia vị, chế biến,… mọi thứ thật tỉ mỉ, cẩn trọng. Nhiều khi vì vội vàng, tôi làm lướt qua một công đoạn nào đó là bà trấn chỉnh ngay, bà nói “Bánh Chưng làm ra để dâng cúng tổ tiên, ông bà, thể hiện lòng hiếu thảo, tưởng nhớ cội nguồn. Vì vậy khi làm bánh con phải làm bằng cả cái tâm hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn”. Rồi những câu chuyện về bánh Chưng cứ thế theo từng ngày thấm vào tâm hồn tôi từ lúc nào không biết.

Bà kể với tôi rằng: “Chẳng biết cái nghề gói bánh chưng có truyền thống trong nhà tôi từ khi nào! Chỉ biết khi bà về làm dâu nhà ông nội tôi thì nghề đã có”

Bà cũng kể rằng khi đó trong cảnh khốn khó của loạn lạc, chiến tranh, miếng ăn còn không đủ, người ta chỉ mua bánh Chưng vào những dịp giỗ, tết. Có cái lạ là “Lò bánh” của ông nhà chồng tôi luôn đỏ lửa. Bánh làm ra, ông Nội tôi đem đi bán rồi lại đem Nếp, đem Đậu, Thịt về! Chẳng ai biết ông bán cho ai và bán ở đâu! Bánh làm thì nhiều nhưng cơm của con thì vẫn bữa đói bữa lo!

Rồi cũng chẳng biết vì sao trong gần chục cô con dâu, bà nội lại chỉ chọn Bà để truyền nghề! Thế là cái xe đạp do ông Nội để lại tiếp tục cùng bố chồng tôi theo những chặng đường bán bánh, mua Nếp, mua thịt. Bẩy người con cùng vợ ở nhà vẫn chỉ biết làm bánh, còn bán ở đâu, bán cho ai vẫn chỉ là ông Nội tôi biết!

Đùng một cái bố chồng tôi tham giam cảnh sát cho chính quyền cũ, nhưng vẫn đều đặn bánh đem đi, Thịt, Nếp đem về! Cũng chẳng ai biết ông bán cho ai, lấy nếp ở đâu.

Đất nước thống nhất, nhà Nội tôi vẫn làm bánh! Một nồi bánh vẫn nuôi cả gia đình. Các con đang tuổi ăn tuổi lớn, làm bánh không đủ lo cho con, có nhiều lúc bà nói với ông bỏ nghề để làm việc khác nuôi con! Nhưng Ông dứt khoát không cho!

Mỗi lần kể đến đây bà đều rưng rưng nước mắt! Bà nói: “Trước khi ông mất có dặn lại: “Bằng mọi giá phải giữ lại nghề làm bánh chưng! Bánh Chưng không chỉ giúp nuôi sống mấy thế hệ gia đình này mà còn góp phần thống nhất đất nước”!

Rồi cũng chẳng biết lý do gì mà ông lại chọn tôi (người con dâu thứ 2 của ông) để truyền nghề. Nhiều lần thắc mắc với mẹ, nhưng bà chỉ cười và nói “có lẽ ba con thấy con thuần hậu nên ông muốn truyền nghề cho con”

Những năm tháng gian khó

Về làm dâu trong một gia đình đông con, với cái nghề truyền thống “gói bánh Chưng”, lúc đầu cũng như bao người con khác, tôi chỉ biết làm bánh để bố chồng đem đi bán như một thói quen được lặp lại hằng ngày.

Chỉ đến khi, được bố chồng lựa chọn là người kế thừa truyền thống của gia đình, tôi mới giật mình. Trong thời buổi khó khăn, chồng tôi vừa đi bán bánh chưng, vừa phải lo nhìn “thuế vụ” mà tôi lại “phải” lĩnh trách nhiệm khó khăn này.

Nhưng rồi, nhìn cái cảnh mẹ chồng tôi dù tuổi đã cao vẫn tỉ mẩn, chỉ vẽ từng khâu ngâm Nếp, vo nếp, đãi đậu, thái thịt…tôi mới biết có lẽ, cái “nghề gói bánh chưng” thực sự là truyền thống của gia đình.

Tôi vẫn làm bánh đều đặn hàng ngày, nhưng mối hàng ngày càng thu hẹp. Có nhiều bữa, bánh làm ra đi bán cả ngày đến tối không hết chở về lại về nhà. Nhìn 02 đứa con ngồi ăn cái bánh chưa bán hết mà rớt nước mắt. Cái con bé nhỏ chưa biết gì cứ hỏi mãi một câu “Sao ăn bánh chưng miết vậy mẹ?” Câu hỏi như xoáy vào tim tôi, nhưng nhìn nó bỏm bẻm nhai bánh chưng thì tôi lại ấm lòng như có thêm động lực.

Nhưng! Đất nước ngày một phát triển. Cũng chẳng ai nghĩ rằng “nhờ cái nồi bánh chưng” mà tôi đã nuôi hai con ăn học trưởng thành! Và tôi thực sự cảm nhận được bánh chưng không đơn thuần chỉ là một món ăn mà còn là hồn cốt, cốt lõi của truyền thống. Đến nay, “cái con bé” vừa bỏm bẻm nhai bánh chưng vừa hỏi tôi “Sao ăn bánh chưng miết vậy mẹ?” đã trưởng thành và là một cán bộ nhà nước nhưng nó vẫn không quên được “hồn cốt đó” để giới thiệu món ăn dân tộc vươn xa.

Chiếc bánh làm quà sang trọng, tinh tế

Nó! “cái con bé ấy” cũng đã nhiều lần thấy tôi vất vả quá, nó nói “mẹ bỏ nghề đi! Nhưng rồi, miệng thì nói vậy mà tối nào nó cũng cùng tôi gói từng chiếc bánh, rồi những câu chuyện về truyền thống gói bánh của gia đình mà nó nghe được từ bà Nội của nó lại trở thành những câu chuyện “bà kể con nghe”.

Thế rồi, có một hôm, nó ra mặt nghiêm trọng: mẹ ơi, bây giờ giữ gìn truyền thống là tốt, là cần nhưng phải phát triển truyền thống để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Con nghĩ mãi rồi, mẹ nên thành lập thương hiệu, lấy nguyên liệu ngon, là đặc sản của địa phương, có nguồn gốc rõ ràng, cải tiến mẫu mã bao bì để đáp ứng được không chỉ nhu cầu thị trường trong nước mà còn du khách nước ngoài. Có như vậy mới duy trì cái nghề truyền thống của gia đình mình bền vững được mẹ ạ”.

Nghe nó nói, mà tôi nửa mừng nửa lo, mừng bởi lẽ đã có người để tôi truyền nghề nhưng lo nhiều hơn bởi lẽ nào cải tiến mẫu mã bao bì, phát triển bền vững thì tôi chẳng biết gì. Đem điều này nói với “con bé”, hắn cười như nắc nẻ rồi nói “con sẽ ở bên mẹ để lưu giữ truyền thống cha ông”.

Chính nhờ “cái con bé ấy” mà thương hiệu bánh chưng Bà Ba Hội đã ra đời với mẫu mã bao bì đẹp, đáp ứng được các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển được nguồn nguyên liệu của địa phương và thực sự trở thành sản phẩm sang trọng, tinh tế, giàu tính truyền thống được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Gìn giữ nét đẹp cổ truyền

Trong tâm thức của đại đa số người Việt, giỗ tết là để nhớ về, là dịp hoài niệm, là dịp tổng kết đời sống năm cũ, và đặt hy vọng, chờ đợi cho năm mới.

Bàn thờ được dọn sạch sẽ mời ông bà về quây quần với con cháu. Mâm cỗ đầy đủ “giò nem ninh mọc” mời nhau chén rượu đầu xuân. Nụ mai, búp đào bất ngờ bung sắc báo hiệu tương lai sung túc. Chiếc bánh chưng xanh, dưa hành, câu đối đỏ là thứ quà dâng lên tổ tiên báo cáo một năm làm ăn thành công. Tất cả những cảm xúc tâm linh ấy thuộc về đời sống tinh thần, đã trở thành thói quen và truyền thống cần được gìn giữ, kế tục.

“Dân dã thực vị thiên”, dân lấy ăn làm trọng, cuộc sống hiện đại, phát triển, đủ đầy càng khiến con người mong muốn có thêm thời gian và không gian được hưởng thụ ngày Tết, mà ở đó, mâm cỗ xuân không thể thiếu chiếc bánh chưng. Tết sẽ chẳng là Tết nếu thiếu mùi bánh chưng xanh, không khí chộn rộn tất bật, thanh âm của những ngày cuối năm.

Trải qua bao đời nay, chiếc bánh chưng nhỏ bé lúc này không chỉ là món ăn thông thường, nó còn là sự hòa quyện tinh tế của đất trời, gói ghém trong mình cả một nền văn mình nông nghiệp lúa nước, hòa quyện giữa các sản phẩm độc đáo của trồng trọt, chăn nuôi, sự khéo léo và tấm chân tình của con cháu vua Hùng.

Tết của người Việt là để đoàn viên, sum họp. Nhưng ngày nay, trong cuộc sống xô bồ, tấp nập này, bếp củi, bếp ngói đã nhường cho bếp ga, bếp điện. Cái cảnh khói lam chiều vấn vít trong ẩm ướt mưa bụi cũng bớt đi. Hình ảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng trong tiết trời lành lạnh, lất phất mưa xuân cũng dần lùi vào quá khứ. Người ta không còn thời gian để chuẩn bị nếp, thịt, đậu, lá, nạt, củi bếp để gói bánh chưng. Nhưng trong mâm cỗ ngày giỗ, ngày tết thì vẫn không thể thiếu được chiếc bánh chưng.

Thương hiệu bánh Chưng Bà Ba Hội ra đời, không chỉ là một sản phẩm đơn thuần mà chúng tôi còn muốn lưu giữ lại những nét đẹp truyền thống, cái hồn cốt góp phần làm nên nền tảng văn hóa của dân tộc. Một vài lớp học gói bánh Chưng  cho các cháu nhỏ đã được tổ chức trong dịp tết Canh Tý (2020) vừa qua. Sự chăm chú nhìn theo từng động tác, nghe từng lời hướng dẫn, rồi nét mặt vui tươi, hồ hởi khi được tự tay gói bánh của các cháu. Câu nói của một cháu nhỏ trước khi ra về “Bà ơi, sáng mai con đến sớm lấy bánh đem về cúng ông Nội con nghe, mà bà nhớ là phải đúng cái bánh của con gói hôm nay đấy!”, tôi biết mình không chỉ lưu giữ nghề truyền thống của gia đình mà đang còn lưu giữ cái nét đẹp của quê hương.

Hướng đến tương lai

Sinh ra và lớn lên ở ở vùng quên chiêm trũng, trong một gia đình thuần nông với nghề làm bánh chưng truyền thống, Huỳnh Thị Thu Thủy mang trong mình tình yêu với chiếc bánh chưng xanh cổ truyền.

Tốt nghiệp Cử nhân sử học, Thạc sĩ Tôn giáo, công tác tại một cơ quan Đảng, tưởng chừng như mọi thứ rất thuận lợi và cái nghề làm bánh Chưng của gia đình không còn trong tâm trí cô. Nhưng rồi, cách đây vài năm, cô tìm tòi phát triển, sáng tạo ra các loại bánh có vẻ bề ngoài bắt mắt để trở thành món quà sang trọng trong những dịp giỗ tết.

“Tại sao một món ăn mang tính “quốc thực” như bánh chưng lại không được coi trọng, có diện mạo đẹp, xuất hiện trong giỏ quà biếu như các món ăn cổ truyền khác tương tự như bánh trung thu, mứt tết?”, Cô đặt câu hỏi.

Với suy nghĩ đó và mong muốn đưa góc nhìn của người trẻ vào một sản phẩm truyền thống, 8X quyết định “nâng tầm” chiếc bánh chưng bằng nguyên liệu chất lượng.

Cô tạo ra những chiếc bánh có màu xanh đặc xanh đặc trưng từ lá giã tay, phủ lên hạt gạo nếp bầu dẻo thơm. Bên trong là nhân thịt lợn thảo mộc, đậu xanh, và đặt cho chúng những cái tên giản dị mà “bắt tai” Bánh Chưng nếp Bầu.CoCoo

Cô còn thiết kế hộp đựng lấy ý tưởng từ ruộng bậc thang, với họa tiết thuần Việt, sao cho thật tinh tế và tôn lên giá trị truyền thống.

Vào mối dịp tết, mỗi cái bánh trong hộp cô đều gắn thêm một chữ, có thể là “An Khang”, “Tài Lộc” hoặc là “An Khang Thịnh Vượng” “Vạn Sự Như Ý”.

“Mỗi chiếc bánh Chưng không chỉ là hiếu thảo, là tình cảm của con cháu gửi tới ông bà, tổ tiên mà còn là tấm chân tình tặng nhau trong Tết cổ truyền, là thương yêu, là tình yêu giữa người với người. Những chữ trên bánh như là lời chúc, là mong muốn của người tặng dành cho người được tặng”, cô chủ giải thích.

Chiếc bánh ra lò bằng phương pháp cổ truyền sau đó được đóng túi, hút chân không, đóng hộp sang trọng kèm hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản, hạn sử dụng, trở thành món quà ý nghĩa để bày lên bàn thờ gia tiên, tặng bạn bè, đối tác thân quý.

Trong quá trình làm và bán bánh, thương hiệu của Cô có tem đảm bảo hàng chất lượng, có mã vạch, mã QR để truy xuất nguồn gốc đồng thời có chính sách bảo hành trong trường hợp bánh bị lỗi trong quá trình sản xuất.

Sau gần 2 năm kinh doanh, tới tế Canh Tý (2020), số lượng bánh được xuất xưởng bán ra thị trường đã lên tới 30.000 chiếc.

Trong tương lai, mục tiêu của Cô là mở rộng thị trường bán bánh chưng ở các địa phương trong cả nước, trong đó có các thị trường “khó tính”  Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương,… và sở hữu cửa hàng phân phối đầu tiên tại nước ngoài trong thời gian sớm nhất.

Bằng tình yêu với một món ăn cổ truyền, tinh thần khởi nghiệp của người trẻ, việc khắt khe về nguyên liệu chế biến và quy trình sản xuất nghiêm ngặt, cô đã thành công bước đầu trong việc đưa chiếc bánh chưng trở thành phiên bản quà tặng đậm chất truyền thống nhưng vẫn hợp xu thế ngày nay.

Thành quả bước đầu

Sau gần hai năm có mặt trên thị trường với thương hiệu “Bánh Chưng bà Ba Hội”, có thể khẳn định thương hiệu này bước đầu đã khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường trong nước.

Hiện bánh đã có mặt trong hệ thống siêu thị Co.op Mart tại khu vực miền Trung kéo dài từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra cơ sở cũng đã thiết lập được hệ thống đại lý phân phối sản phẩm ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có các thị trường “khó tính” luôn đòi hỏi chất lượng cao, mẫu mã bao bì đẹp như Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, sản phẩm cũng đã có mặt và được tiêu thụ tại những thị trường được xem là “truyền thống của bánh Chưng” như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình,…

Đầu năm 2020, Cơ sở đã đặt vấn đề và đã được Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Đà Nẵng chấp nhận đưa sản phẩm vào bán tại các cửa hàng của công ty trong khu vực Sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Cùng với đó, thông qua Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại và Quảng lý cửa khẩu của Tỉnh, cơ sở đã có kế hoạch đưa sản phẩm sang tiêu thụ tại thị trường nước bạn Lào. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 kế hoạch này tạm thời chưa thể triển khai.