Hàng công nghiệp nông thôn cần lối đi mới

VIỆT NGUYỄN – Báo Quảng Nam

Quảng Nam vừa được Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) chứng nhận 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Bên cạnh mặt tích cực, cần nhìn nhận các điểm yếu của loại hình hàng hóa trên để có các giải pháp kịp thời, thúc đẩy phát triển.

Tín hiệu vui

Bánh chưng xanh “bà Ba Hội” (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) là 1 trong 5 sản phẩm của Quảng Nam được Cục Công Thương địa phương vinh danh. Chị Huỳnh Thị Thu Thủy – chủ cơ sở bánh chưng xanh “bà Ba Hội” cho biết, rất vui mừng vì sản phẩm đã được công nhận chất lượng tốt, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.

Để sản phẩm bánh chưng xanh có mặt trên thị trường cả nước, hướng đến xuất khẩu trong khi thời hạn sử dụng hàng hóa ngắn, chị Thủy cho rằng, bánh chưng xanh “bà Ba Hội” được bảo quản bằng phương pháp hút chân không, di chuyển an toàn và hạn sử dụng dài ngày hơn bánh chưng thông thường. Chính vì hạn sử dụng dài nên quyết định được sự lưu thông trên thị trường cả nước. Và trong tương lai cơ sở hướng đến sản phẩm đông lạnh để xuất khẩu.

“Chúng tôi khẳng định thương hiệu bằng cách sử dụng nguồn nguyên liệu đặc trưng xứ Quảng để chứng minh bánh chưng xanh “bà Ba Hội” khác với bánh chưng ở các vùng khác. Chúng tôi cũng khẳng định vị thế sản phẩm với khách hàng bằng các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm” – chị Thủy nói.

Cứ tuần tự 2 năm 1 lần, Cục Công Thương đều tổ chức chương trình tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của 63 tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Năm nay, ngoài bánh chưng xanh “bà Ba Hội”, Quảng Nam còn 4 sản phẩm khác là khay trà tiến vua của Công ty TNHH Mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp (thị xã Điện Bàn), bộ đốt nhang và nhang không tăm của Công ty TNHH Trầm hương Hoàng Hưng (huyện Nông Sơn), giá treo và bảo chúng nhỏ của Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều (thị xã Điện Bàn) và bánh tráng cuốn Hương Huệ của Cơ sở sản xuất bánh tráng cuốn Hương Huệ (Thăng Bình) được vinh danh. Các sản phẩm trên đều mang đậm bản sắc văn hóa xứ Quảng, đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Đỗ Hoàng Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Trầm hương Hoàng Hưng, trong thời gian đến sẽ dán nhãn logo của chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực trên các sản phẩm để rộng đường đến với thị trường tiêu thụ. Sau khi được công nhận hàng công nghiệp tiêu biểu, doanh nghiệp được ngành công thương hướng dẫn, tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, sẽ thuận lợi trong đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.

Cần thay đổi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các sản phẩm công nghiệp nông thôn Quảng Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Trước hết là sự cạnh tranh gay gắt từ các mặt hàng nhập khẩu. Đây là thách thức lớn khi các mặt hàng nhập khẩu thường có giá rẻ, mẫu mã bao bì đẹp. Đặc biệt, các mặt hàng này luôn được các nhà bán lẻ có nguồn vốn nước ngoài ưu tiên trên thị trường.

Thách thức cũng đến từ chính các chủ thể của sản phẩm công nghiệp nông thôn khi có nhiều doanh nghiêp vẫn chưa thực sự thoát khỏi phương thức sản xuất, kinh doanh cũ và chưa thực sự mạnh dạn đầu tư để nâng cấp sản phẩm. Người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nhiều khi vẫn còn tâm lý ưa chuộng hàng ngoại. Trong khi đó, truyền thông về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thời gian qua còn hạn chế. Không nhiều người tiêu dùng hiểu rõ được ưu thế của các sản phẩm công nghiệp nông thôn so với các sản phẩm khác.

Theo ông Đinh Văn Phúc – Giám đốc Trung tâm Khuyến công – xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương), trong thời gian đến, trên cơ sở hỗ trợ của UBND tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tiếp cận cộng với khả năng huy động vốn của mình để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn, cải tiến mẫu mã để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn các ưu điểm nổi trội của các sản phẩm công nghiệp nông thôn qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, cần kết nối các sản phẩm công nghiệp nông thôn với các hoạt động kinh tế trọng tâm của tỉnh như chương trình phát triển du lịch.

Quảng Nam đang xây dựng các cơ chế để thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, tỉnh cần có chính sách đối với các nhà bán lẻ trên địa bàn để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn được tốt hơn.