Quảng Nam: Tạo điều kiện phát triển làng nghề

Nhờ tích cực hỗ trợ các cơ sở kinh doanh trong làng nghề phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm… nhiều sản phẩm của Quảng Nam đã đến được với người tiêu dùng cả nước.        

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại và Quản lý cửa khẩu Quảng Nam đã lập kế hoạch đăng ký kinh phí khuyến công quốc gia, được Bộ Công Thương phê duyệt, phân bổ kinh phí thực hiện các đề án mang tính thực tiễn và hiệu quả cao. Hàng năm, đơn vị tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh, với số lượng lựa chọn được 20 sản phẩm đạt giải và tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực miền Trung – Tây nguyên, cấp quốc gia; 5 sản phẩm đạt giải cấp khu vực, 1 đạt giải cấp quốc gia.

 

Ông Đinh Văn Phúc – Giám đốc Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại và Quản lý cửa khẩu – cho biết, tỉnh rất quan tâm đến việc phát triển các xí nghiệp làng nghề và sản phẩm CNNT. Thời gian qua, Sở Công Thương và trung tâm luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển nghề, tạo nghề, nhân nghề. Với các ngành nghề trước đây được sản xuất bằng biện pháp thủ công lạc hậu, trung tâm đã khảo sát và tranh thủ nguồn kinh phí của Bộ Công Thương, ngân sách tỉnh tạo điều kiện ứng dụng các thiết bị mới, tiên tiến, chuyển giao mô hình trình diễn để hỗ trợ sản xuất.

Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công Thương tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo về marketing, khởi nghiệp, nghệ thuật bán hàng. Thông qua đó, kỹ năng bán hàng, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp được phát huy.

Là 1 trong 3 đơn vị đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, ông Trần Hữu Long – Giám đốc Công ty Yến Sào Đất Quảng – cho biết, điểm đặc biệt của Yến Sào Đất Quảng là tổ yến được chính ông nghiên cứu và làm tổ bằng nguyên liệu đá tự nhiên, khác với làm tổ bằng gỗ theo cách thức nuôi truyền thống. Được sự hỗ trợ của Sở Công Thương trong việc hướng dẫn đăng ký chất lượng sản phẩm, hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, bảo quản, các sản phẩm tự nhiên bằng Yến nuôi ở đá mang thương hiệu riêng được người tiêu dùng yêu thích.

Cũng là 1 trong 3 cơ sở đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, bà Huỳnh Thị Thu Thủy – Chủ cơ sở bánh chưng Bà Ba Hội – chia sẻ, cơ sở đã được trung tâm hỗ trợ quảng bá sản phẩm, nên dù mới thành lập chưa được 1 năm nhưng sản phẩm đã đến được 57 tỉnh, thành phố trong cả nước, và hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã có đại lý tiêu thụ sản phẩm. Mỗi tháng cơ sở đạt doanh thu từ 100 – 150 triệu đồng. Chúng tôi đã tập trung nghiên cứu mẫu mã, nâng cao chất lượng và đưa ra thị trường các sản phẩm mới, ví dụ như “bánh chưng nếp cẩm” được thị trường trong nước tiếp nhận rất tích cực.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song ông Đinh Văn Phúc cũng cho hay, khó khăn đối với cơ sở làng nghề hiện nay là máy móc, thiết bị. Đa số cơ sở làng nghề kinh doanh còn nhỏ lẻ, nên việc hỗ trợ máy móc, thiết bị sẽ giảm bớt lượng lao động phổ thông; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, việc sản xuất, đóng gói, bảo quản sản phẩm sẽ tốt hơn. Song, kinh phí hỗ trợ cho những đối tượng này còn hạn chế. Những cơ sở kinh doanh làng nghề phải đạt được danh hiệu sản phẩm CNNT tiêu biểu, hoặc chứng nhận OCOP của địa phương sẽ được ưu tiên hỗ trợ trước.

Thành Long