CHIẾC BÁNH CHƯNG VÀ CÂU CHUYỆN VỀ HAI NGƯỜI MẸ

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng giữa đô thị Tam Kỳ. Cái cảnh “chân lấm tay bùn”, “con cua cái ốc”, “ ruộng lúa bờ kênh” dường như đã trở thành những thứ rất quen thuộc với tôi.

Bên cạnh làm ruộng thì gia đình tôi có thêm cái nghề gói bánh Chưng bán dạo ở chợ. Cái nghề mà Nội tôi chỉ truyền lại cho người con dâu đó là Mẹ tôi. Tuổi thơ của tôi gắn liền với việc đồng áng và những cái bánh Chưng nho nhỏ, xinh xinh.

Dù nhiều vất vả nhưng Ba Mẹ luôn động viên anh em tôi cố gắng học hành để thoát khỏi cái cảnh chân lấm tay bùn. Ông bà không khuyến khích anh em tôi theo nghề gói bánh Chưng. Mẹ tôi thường bảo “học gói bánh để biết nữ công gia chánh, còn muốn thoát nghèo, thoát vất vả. Phải lo học hành chứ cái nghề này cực lắm mà thu nhập chẳng được bao nhiêu con ạ!”.

Hai Người Mẹ Của Tôi
Hai Người Mẹ Của Tôi

Khi trưởng thành, tôi nên duyên cùng một anh chàng người Bắc. Tôi không phải “thuyền theo lái, gái theo chồng” như những người con gái khác mà vợ chồng tôi sinh sống, lập nghiệp tại quê tôi – Tam Kỳ. Mỗi dịp tết đến xuân về, vợ chồng tôi đều về quê Bắc ăn tết.

Tôi thích đón tết của miền Bắc vì năm nào nhà Mẹ chồng tôi cũng thịt lợn và gói bánh Chưng. Không khí tết thật ấm áp và cũng vì một nhẽ tôi sẽ trổ tài gói bánh Chưng. Tôi làm thành thục các công đoạn sơ chế nguyên liệu như: vo nếp, nấu đỗ, thái thịt… Nhưng đến công đoạn gói bánh thì tôi gặp thách thức thực sự.

Ở Tam Kỳ, những chiếc bánh được gói bằng lá chuối – gọi một cách dân dã là gói đùm. Nhưng ở quê chồng tôi thì khác, bánh ở đây được gói bằng là dong. Nhìn những chiếc bánh vuông vức được tạo ra từ bàn tay khéo léo của Mẹ chồng, tôi thực sự thán phục. Thế là tôi ngồi lại học gói bánh cùng mọi người!.

Nhìn tôi luống cuống với những chiếc lá dong. Mẹ chồng tôi đã hướng dẫn tỉ mỉ từ việc đo cắt những chiếc lá dong vừa với khuôn đến việc gấp lá thế nào cho đẹp. Vừa hướng dẫn, vừa giải thích “lá dong sẽ tạo nên những chiếc bánh Chưng xanh rất đẹp mắt. Bánh được gói bằng khuôn chặt chẽ nên khi nấu xong, vớt ra phải ép bánh cho rền trước khi sử dụng, như thế mới có được một chiếc bánh ngon, dẻo”.

Nhìn cách Mẹ chồng tạo nên những chiếc bánh Chưng vuông vức, xinh xắn và tinh tế. Như giúp tôi hiểu ra rằng chính sự cần mẫn, kiên trì và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đã giúp Mẹ vượt qua bao gian khó để chăm lo cho Mẹ chồng và nuôi 07 người con ăn học nên người khi bố chồng tôi mất sớm.

Nhìn cái cảnh anh, chị, em, con, cháu, không kể dâu, rể, nội, ngoại quây quần bên nồi bánh chưng. Tôi như cảm nhận được chính cái bánh Chưng đã gắn kết mọi người lại với nhau. Dù đó là một ông 01 Giáo sư với cái đầu hói gần hết tóc hay một anh chàng Tiến sĩ nổi tiếng nghiêm khắc với học viên. Một Vụ trưởng nghiêm nghị hay mấy đứa cháu nhí nhố. Tất cả dường như không có khoảng cách!.

Bánh chưng Bà Ba Hội
Bánh chưng Bà Ba Hội

Cái tết đầu tiên đáng nhớ của tôi là thế. Thay vì trổ tài gói bánh Chưng thì tôi lại được Mẹ chồng dạy cách gói bánh mang “hình hài” của xứ “Đàng Ngoài”. Hai người Mẹ đã giúp tôi tạo nên một chiếc bánh chưng giao thoa giữa hai miền. Hương vị đặc trưng của người mẹ xứ Quảng “Đàng Trong”. “hình hài” sắc sảo của Mẹ chồng xứ Đông “Đàng Ngoài”.

Chuyện về cái bánh chưng “giao thoa” đó còn nhiều cái để kể, tôi sẽ lại kể vào một dịp khác. Còn hôm nay, sắp đến ngày 08/3, tôi xin gửi đến hai người Mẹ của tôi. Và tất cả những người mẹ tuyệt vời khác trên mọi miền Tổ quốc lời chúc tốt đẹp nhất!. Mong tất cả các mẹ luôn mạnh khỏe để sớm hôm vui vầy cùng con cháu và luôn là chỗ dựa. Nơi khơi nguồn sáng tạo cho lớp trẻ hôm nay.

Đọc Thêm

  1. Bánh Chưng Bà Ba Hội
  2. Bánh Tét
  3. Bánh Tổ

2 thoughts on “CHIẾC BÁNH CHƯNG VÀ CÂU CHUYỆN VỀ HAI NGƯỜI MẸ

  1. Đậu Bắp says:

    Cảm ơn những người Mẹ đã góp phần làm nên hình hài và thổi hồn tạo nên bánh chưng Bà Ba Hội – Tinh hoa hội tụ!
    Chúc bánh chưng Bà Ba Hội ngày càng vươn xa, giữ gìn hồn cốt Tết Việt và thông dụng như món ăn hằng ngày!

Comments are closed.